Bước Chuyển Mới Của Thanh Toán: Cơ Hội và Thách Thức từ "Mua trước, trả sau" (Buy Now, Pay Later - BNPL)
Thương mại điện tử đang cách mạng hóa cách chúng ta mua sắm, kèm theo đó là làn sóng các phương thức thanh toán mới. Nổi bật trong số này là "Mua trước, trả sau" (Buy Now, Pay Later - BNPL), một hiện tượng toàn cầu đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ người tiêu dùng, nhà bán lẻ và giới đầu tư. Vậy BNPL là gì, và những cơ hội cùng thách thức nào đang chờ đợi doanh nghiệp tại thị trường đầy tiềm năng này?
I. BNPL: Khái Niệm, Lịch Sử và Lợi Ích
1. BNPL là gì?
"Mua trước, trả sau" (Buy Now, Pay Later - BNPL) là hình thức thanh toán cho phép người dùng mua sắm mà không cần thanh toán ngay, thay vào đó chia nhỏ thành các khoản trả góp không lãi. BNPL hoạt động với ba bên chính: người mua, người bán và nền tảng BNPL. Khi người mua được duyệt hạn mức, nền tảng BNPL sẽ thanh toán cho người bán và chịu trách nhiệm về rủi ro tín dụng. Người mua thực hiện trả góp theo kỳ hạn đã thỏa thuận, không phải trả lãi nếu thanh toán đúng hạn và chịu phí phạt nếu trễ hẹn.
2. Hành trình phát triển của BNPL
BNPL ra đời vào đầu những năm 2000 tại các thị trường phát triển như Mỹ và Anh, khi các công ty tài chính sáng tạo giải pháp giúp khách hàng mua hàng ngay và trả tiền thành nhiều đợt. Mô hình này thực sự bùng nổ từ năm 2019, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch nhờ sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến. Theo GlobalData, tổng chi tiêu cho các giao dịch BNPL đã tăng mạnh, từ 33 tý USD vào năm 2019 lên 300 tý USD năm 2023. Juniper Research dự báo con số này có thể đạt gần 700 tý USD toàn cầu vào năm 2028
Thị trường BNPL không chỉ thu hút các startup mà còn chứng kiến sự tham gia của các "ông lớn" trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, trở thành một phần không thể thiếu của hệ sinh thái thanh toán. Từ việc tập trung vào ngành hàng tiêu dùng nhanh như thời trang và mỹ phẩm, BNPL đã phát triển sang nhiều lĩnh vực đa dạng như y tế, du lịch, vé máy bay và xăng dầu.
Tại Việt Nam, hành trình của BNPL bắt đầu từ năm 2015 với sự tiên phong của Home Credit và FE Credit, ban đầu tập trung vào mảng điện tử gia dụng. Sự bùng nổ của Internet và điện thoại thông minh đã mở ra cơ hội cho BNPL vươn mình sang nhiều lĩnh vực mới như thời trang, du lịch, giáo dục và y tế.
3. Lợi ích "kép" cho người dùng và doanh nghiệp
Đối với người tiêu dùng
Mua sắm linh hoạt: BNPL cho phép người tiêu dùng mua sắm ngay lập tức và chia nhỏ khoản thanh toán thành nhiều đợt không lãi suất, ngay cả khi chưa có đủ tiền thanh toán toàn bộ.
Tiện lợi và dễ sử dụng: Quy trình đăng ký và sử dụng BNPL đơn giản, thuận tiện. Người dùng có thể mua sắm trước, trả tiền sau mà không cần thẻ tín dụng.
Tăng cường quản lý tài chính: BNPL giúp người tiêu dùng kiểm soát chi tiêu hiệu quả thông qua các khoản thanh toán có kế hoạch.
Tiếp cận tín dụng dễ dàng: BNPL là giải pháp thay thế phù hợp cho thẻ tín dụng, tạo điều kiện cho những người chưa tiếp cận được các hình thức vay tiêu dùng truyền thống.
Đối với doanh nghiệp bán lẻ
Tăng doanh số bán hàng: BNPL không chỉ thu hút khách hàng mới mà còn khuyến khích khách hàng hiện tại chi tiêu nhiều hơn, thúc đẩy doanh số.
Cải thiện trải nghiệm khách hàng: BNPL tạo sự tiện lợi và linh hoạt trong thanh toán, từ đó nâng cao sự hài lòng và gắn kết của khách hàng.
Mở rộng thị trường: BNPL giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhóm khách hàng tiềm năng chưa có thẻ tín dụng hoặc có hạn chế về tài chính.
II. Toàn Cảnh Thị Trường BNPL
1. Xu Hướng Phát Triển
1.1 Thị Trường Toàn Cầu
BNPL đang bùng nổ trên toàn cầu với những con số ấn tượng: Từ quy mô 378 tỷ USD năm 2023, thị trường này dự kiến tăng vọt lên 8.000 tỷ USD vào năm 2032, đạt mức tăng trưởng 40% mỗi năm. Đặc biệt, số lượng người dùng dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 360 triệu lên 900 triệu người.
Châu Á đang nổi lên như một "miền đất hứa" cho BNPL. Theo dự báo của Worldpay (2021), khối lượng giao dịch không dùng tiền mặt tại đây sẽ tăng mạnh 109% vào năm 2025.
Không bất ngờ khi các chuyên gia đều nhận định BNPL sẽ trở thành ngôi sao sáng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng những năm tới.

1.2 Thị Trường Việt Nam
Thị trường BNPL Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng. Theo Research and Markets, từ quy mô 1,32 tỷ USD năm 2023, con số này dự kiến sẽ tăng vọt lên 1,9 tỷ USD trong năm 2024. Với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm đạt 29,2%, thị trường BNPL được kỳ vọng sẽ bùng nổ đạt 6,9 tỷ USD vào năm 2029.
Hiện tại, BNPL chỉ chiếm 6,5% thị trường thương mại điện tử (ước tính 20,5 tỷ USD năm 2023), nhưng đây là mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều "ông lớn" công nghệ tài chính. Các doanh nghiệp hàng đầu như Lotte C&F, Kredivo, Home PayLater (Home Credit), Fundiin, MoMo, ZaloPay, Shopee PayLater và FE Credit… đang cạnh tranh mạnh mẽ để giành thị phần.
Trải qua giai đoạn thách thức với kinh tế khó khăn và nợ xấu tăng cao, thị trường BNPL đã lấy lại đà tăng trưởng ngoạn mục. Vượt ra khỏi phạm vi mua sắm trực tuyến, BNPL đã vươn mình sang các lĩnh vực giá trị cao như y tế, du lịch và đặt vé máy bay, mở ra cơ hội mới cho cả người dùng và doanh nghiệp.

1.3 Các Yếu Tố Thúc Đẩy Sự Phát Triển
Nhu cầu tín dụng tiêu dùng: Nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam đang tăng mạnh, trong khi tỷ lệ người dân sở hữu thẻ tín dụng chỉ đạt khoảng 10%. BNPL cung cấp giải pháp tiếp cận tín dụng đơn giản và thuận tiện hơn so với các hình thức vay truyền thống.
Sự phát triển của công nghệ: Công nghệ đóng vai trò nền tảng then chốt trong việc phát triển BNPL, từ khâu đánh giá tín dụng đến xử lý giao dịch.
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt: BNPL phù hợp với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Chính sách hỗ trợ: Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo môi trường thuận lợi cho BNPL phát triển.
1.4 Thách Thức
Quản lý rủi ro: Việc kiểm soát rủi ro tín dụng và đánh giá khả năng thanh toán của người dùng là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp BNPL.
Khung pháp lý: Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về BNPL để đảm bảo thị trường phát triển bền vững.
Nâng cao nhận thức: Cần giáo dục người tiêu dùng về lợi ích và rủi ro của BNPL để họ sử dụng dịch vụ hiệu quả và an toàn.
2. Nhóm Khách Hàng & Ngành Hàng Chính Của BNPL
Nghiên cứu "Green Shoots Radar" mới nhất của Visa hé lộ một xu hướng thú vị: thế hệ Millennial, Gen X và Gen Z đang "phát cuồng" với phương thức mua trước trả sau tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không có gì ngạc nhiên khi những thế hệ này - với thu nhập ổn định, am hiểu công nghệ và yêu thích sự linh hoạt - đang dẫn đầu làn sóng BNPL.
BNPL đặc biệt hấp dẫn đối với nhóm người có thu nhập trung bình và "lịch sử tiêu dùng tốt". Đây chính là những khách hàng tiềm năng đang khao khát mua sắm nhưng chưa thể tiếp cận thẻ tín dụng hay các khoản vay truyền thống. Con số thống kê từ Lotte C&F càng khẳng định tiềm năng này: chỉ 10% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng!
Với vai trò là "cầu nối" tài chính thông minh, BNPL đang mở ra cánh cửa mới cho việc mua sắm và tiếp cận tín dụng, đặc biệt phù hợp với làn sóng thanh toán không tiền mặt đang bùng nổ trong giới trẻ hiện nay.

Các yếu tố thu hút nhóm khách hàng này sử dụng BNPL:
Các ngành hàng phổ biến áp dụng BNPL ngày càng đa dạng, phản ánh nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng. Những lĩnh vực nổi bật bao gồm:
Điện tử, gia dụng: Đây là lĩnh vực phổ biến nhất của BNPL theo nhiều nghiên cứu thị trường. Người tiêu dùng thường sử dụng BNPL để mua sắm các thiết bị có giá trị cao, giúp họ chia nhỏ khoản thanh toán và dễ dàng sở hữu sản phẩm.
Thời trang, mỹ phẩm: Ngành hàng này đặc biệt phổ biến với khách hàng trẻ, những người ưa chuộng sự tiện lợi và linh hoạt của BNPL.
Hàng cao cấp: BNPL giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm cao cấp vượt khả năng chi trả ngay lập tức.
Nội thất: Tương tự điện tử và gia dụng, nội thất là lĩnh vực khiến BNPL trở thành phương thức thanh toán hấp dẫn nhờ giá trị sản phẩm lớn.
Du lịch, giải trí: BNPL được áp dụng cho vé máy bay, đặt phòng khách sạn, vé xem phim, tạo điều kiện cho người tiêu dùng trải nghiệm dễ dàng hơn.
Y tế: BNPL giúp bệnh nhân thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo kỳ hạn, giảm bớt gánh nặng tài chính.
Ngoài ra, BNPL còn được ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục, thực phẩm và sách vở.
Nhìn chung, BNPL có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành hàng, đặc biệt là những ngành có giá trị sản phẩm và dịch vụ cao hoặc hướng đến khách hàng trẻ tuổi - những người ưa chuộng sự tiện lợi và linh hoạt.
3. Rủi ro chính khi sử dụng BNPL - Người dùng cần cảnh giác
BNPL có thể là "con dao hai lưỡi" - mặc dù mang đến nhiều tiện ích hấp dẫn cho người tiêu dùng, phương thức thanh toán này cũng ẩn chứa những rủi ro đáng lưu ý như:
Nguy cơ rơi vào bẫy nợ : Với tính năng mua trước trả sau, BNPL có thể khiến người dùng chi tiêu vượt quá khả năng tài chính. Việc chia nhỏ các khoản thanh toán tạo cảm giác "dễ thở" ban đầu, nhưng khi nhiều khoản đến hạn cùng lúc, người dùng dễ rơi vào tình trạng không đủ khả năng chi trả. Hệ quả là phải chịu phí phạt, lãi suất cao và ảnh hưởng xấu đến lịch sử tín dụng.
Thông tin cá nhân có thể bị đánh cắp: Khi đăng ký BNPL, người dùng phải cung cấp nhiều thông tin cá nhân và tài chính nhạy cảm. Nếu nền tảng không đảm bảo an ninh, thông tin này có nguy cơ bị đánh cắp và lạm dụng.
Điều khoản dịch vụ thiếu minh bạch : Nhiều nền tảng BNPL chưa công khai đầy đủ về lãi suất, phí phạt và các điều khoản quan trọng khác. Điều này khiến người dùng khó nắm bắt và dễ gặp bất lợi khi sử dụng.
Hạn chế trong đánh giá rủi ro : Do chưa kết nối với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), các đơn vị BNPL gặp khó khăn trong việc thẩm định khả năng chi trả của khách hàng. Điều này có thể dẫn đến việc cấp hạn mức cho người không đủ điều kiện, làm tăng nguy cơ nợ xấu.
Cám dỗ từ các chương trình giảm giá: Nghiên cứu cho thấy các chương trình giảm giá chớp nhoáng thường khiến người dùng, đặc biệt là Gen Z, có những quyết định mua sắm bốc đồng mà không cân nhắc kỹ về nhu cầu thực tế.
Hiểu sai về bản chất của BNPL : Nhiều người, nhất là giới trẻ, thường nhầm tưởng BNPL là hình thức vay hoàn toàn miễn lãi và không có rủi ro. Quan niệm sai lệch này dễ dẫn đến việc sử dụng BNPL thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng về tài chính.
III. Chiến Lược Triển Khai BNPL Hiệu Quả Cho Doanh Nghiệp
1. Mô hình BNPL chính trên thị trường của bên cung cấp dịch vụ
Thị trường BNPL (Mua trước, trả sau) đang phát triển đa dạng với các mô hình sau:
Mô hình bên thứ Ba: Các công ty Fintech độc lập như Klarna, Afterpay và Fundiin đang dẫn đầu xu hướng này với khả năng liên kết với nhiều nhà bán lẻ. Ưu điểm nổi bật là khả năng tiếp cận người dùng rộng rãi mà không yêu cầu thẻ tín dụng. Tuy nhiên, mô hình này phụ thuộc vào sự hợp tác của nhà bán lẻ và phải đối mặt với rủi ro tín dụng từ khách hàng.
Mô hình công ty tài chính và ngân hàng: Các tổ chức tài chính như Citibank và VPBank cung cấp BNPL thông qua thẻ tín dụng và chương trình tín dụng cá nhân. Mô hình này nổi bật với quy trình đáng tin cậy và khả năng bảo đảm an toàn tín dụng. Tuy nhiên, quy trình đăng ký phức tạp và yêu cầu lịch sử tín dụng tốt là những rào cản lớn. Ví dụ: HSBC, Home Credit, FE Credit, Shinhan Finance, VPBank...
Mô hình tích hợp vào nền tảng TMĐT: Các nền tảng như Shopee PayLater và LazPayLater tích hợp BNPL trực tiếp vào quy trình thanh toán. Điểm mạnh là tạo trải nghiệm mua sắm liền mạch và thu hút khách hàng trẻ hiệu quả. Tuy nhiên, mô hình này phụ thuộc nhiều vào lưu lượng truy cập và đối mặt với rủi ro tín dụng cao nếu không được quản lý chặt chẽ.
Mô hình do Nhà bán lẻ cung cấp: Nhà bán lẻ tự triển khai dịch vụ BNPL nhằm tăng cường lòng trung thành của khách hàng và giảm phụ thuộc vào bên thứ ba. Họ tự chịu trách nhiệm về chi phí và rủi ro tín dụng. Mô hình này có ưu điểm là kiểm soát được quy trình tín dụng và xây dựng lòng trung thành khách hàng. Tuy nhiên, việc đầu tư chi phí lớn và nguy cơ nợ xấu cao là thách thức nếu không có hệ thống quản lý tín dụng hiệu quả. Ví dụ như: CellphoneS, Nguyễn Kim, Điện Máy Chợ Lớn...
Các Mô Hình BNPL Đặc Thù Khác: BNPL đang mở rộng đột phá với các giải pháp chuyên biệt cho từng ngành hàng. Ưu điểm nổi bật là khả năng đáp ứng chính xác nhu cầu đặc thù của người tiêu dùng, dù vẫn tồn tại giới hạn về phạm vi ứng dụng. Một ví dụ điển hình là sự hợp tác giữa PV Oil và HDBank, tạo ra giải pháp thanh toán thông minh cho phép khách hàng "đổ xăng trước, trả tiền sau" tại 900 trạm xăng trên toàn quốc - một bước tiến mới trong việc số hóa ngành xăng dầu.
2. Chiến lược triển khai BNPL cho doanh nghiệp
Để triển khai BNPL hiệu quả, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược toàn diện gồm: phân tích thị trường mục tiêu, tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh, thiết lập quy trình vận hành và quản lý rủi ro. Việc triển khai cần được thực hiện theo từng bước có phương pháp, nhằm đảm bảo hiệu quả lâu dài.
2.1 Xác Định Mục Tiêu và Lợi Ích
2.2 Lựa Chọn Đối Tác BNPL Phù Hợp
Uy tín và kinh nghiệm: Cần lựa chọn đối tác BNPL có uy tín, kinh nghiệm lâu năm, nền tảng công nghệ vững chắc và hệ thống quản lý rủi ro hiệu quả.
Phí dịch vụ: Đánh giá và so sánh kỹ lưỡng phí dịch vụ, chính sách hỗ trợ giữa các đơn vị BNPL để chọn đối tác phù hợp nhất với mô hình kinh doanh.
Ngành hàng: Ưu tiên chọn đối tác BNPL có chuyên môn và kinh nghiệm trong ngành hàng của doanh nghiệp.
2.3 Tích Hợp Hệ Thống và Quy Trình
Dễ dàng sử dụng: Tích hợp BNPL vào hệ thống thanh toán hiện có với giao diện đơn giản, cho phép khách hàng hoàn tất thanh toán nhanh chóng. Tối ưu trải nghiệm người dùng thông qua website và ứng dụng thân thiện.
Minh bạch thông tin: Cung cấp đầy đủ và rõ ràng thông tin về dịch vụ BNPL, bao gồm điều khoản, điều kiện, lãi suất và phí phạt.
Hỗ trợ khách hàng: Thiết lập hệ thống hỗ trợ chuyên nghiệp để giải đáp mọi thắc mắc về BNPL.
Đào tạo nhân viên: Đào tạo nhân viên về kiến thức BNPL, quy trình xử lý giao dịch và kỹ năng hỗ trợ khách hàng.
2.4 Marketing và Truyền Thông
Chương trình khuyến mãi: Phối hợp với đối tác BNPL xây dựng các chương trình ưu đãi hấp dẫn, thiết kế riêng cho người dùng dịch vụ BNPL.
Quảng bá: Đẩy mạnh truyền thông về dịch vụ BNPL qua đa kênh của doanh nghiệp như website, mạng xã hội và email marketing.
Đào tạo nhân viên: Trang bị kiến thức chuyên sâu cho đội ngũ bán hàng về BNPL để tư vấn và hỗ trợ khách hàng một cách chuyên nghiệp.
Nâng cao nhận thức: Truyền thông minh bạch về lợi ích và hướng dẫn sử dụng BNPL một cách hiệu quả, an toàn.
2.5 Quản Lý Rủi Ro
Đánh giá tín dụng: Hợp tác với đối tác BNPL để áp dụng các công cụ đánh giá tín dụng hiệu quả, nhằm giảm thiểu rủi ro nợ xấu.
Chính sách xử lý nợ xấu: Phối hợp với đối tác BNPL xây dựng quy trình xử lý nợ xấu hiệu quả.
Bảo vệ người tiêu dùng: Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc tuân thủ quy định bảo mật thông tin và minh bạch trong điều khoản sử dụng BNPL.
2.6 Tuân thủ khung pháp lý
Cập nhật thông tin: Thường xuyên cập nhật quy định pháp luật về BNPL để đảm bảo hoạt động kinh doanh tuân thủ.
Hợp tác với cơ quan quản lý: Duy trì hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết các vấn đề phát sinh trong dịch vụ BNPL.
IV. Kết Luận
BNPL không đơn thuần là một xu hướng - đây chính là tương lai của thanh toán số. Với khả năng thúc đẩy doanh số, tiếp cận khách hàng mới và nâng cao trải nghiệm mua sắm, BNPL đang tạo ra cơ hội vàng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng này, doanh nghiệp cần giải quyết thấu đáo các thách thức về quản lý rủi ro, khung pháp lý và nhận thức người dùng.
Kỷ nguyên thanh toán số đang chờ đón những doanh nghiệp có tầm nhìn và dám hành động. Thông qua việc xây dựng chiến lược BNPL bài bản và lựa chọn đối tác phù hợp, doanh nghiệp có thể trở thành người tiên phong trong cuộc cách mạng thanh toán này.
Nguồn tham khảo
Thị trường "mua trước trả sau" tại Việt Nam tăng mạnh - VTV (2024)
Vì sao dịch vụ mua trước trả sau hồi sinh - Tuổi Trẻ Online (2024)
Who are buy now, pay later borrowers, and what are they buying? - Reuters (2023)
The Global Buy Now, Pay Later (BNPL) Market Map - Connecting the dots in FinTech (2023)
Buy now, pay later: Five business models to compete - Mckinsey & Company (2021)
Vietnam Buy Now Pay Later Business and Investment Opportunities Databook - Research and Markets (2024)
Bạn muốn nắm bắt xu hướng mới nhất và phân tích sâu sắc về thị trường tiêu dùng toàn cầu? Hãy theo dõi MPR để không bỏ lỡ những thông tin quý giá! Chia sẻ bài viết này sẽ giúp cộng đồng của bạn cập nhật những biến chuyển quan trọng trong lĩnh vực tiêu dùng toàn cầu.
Về MPR
MPR là giải pháp cung cấp báo cáo thị trường chuyên sâu toàn diện, giúp bạn đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt.
Website: https://www.baocao.site
© MPR 2024 | Market and Product Research - Chìa khóa thành công cho doanh nghiệp thông minh!